Tuesday, April 23, 2013

Loại bỏ độ đục từ nước ao nuôi

Tóm tắt:
Các vấn đề về độ đục trong nước ao nuôi trồng thủy sản thường là do các hạt đất sét hoặc các hạt bùn/phù sa mịn vẫn lơ lửng do sự nhiễu loạn của nước hoặc quá trình lắng đọng quá mức. Độ đục có thể cũng ảnh hưởng đến các ao được bón phân hữu cơ, phân hóa học hoặc là có thức ăn. Xử lý bằng các chất keo tụ như alum (phèn nhôm) và thạch cao thông thường làm hết độ đục từ các ao. Tuy nhiên, độ đục có thể trở lại bởi vì các nguồn gây đục không được kiểm soát. Phương pháp tốt nhất là loại bỏ các nguồn gây đục và chỉ sử dụng alum (phèn nhôm) nếu độ đục vẫn còn.



(Tiến sĩ Claude E. Boyd
Khoa Thủy sản và liên minh nuôi trồng thủy sản - Đại học Auburn – Auburn, Alabama 36849 USA)

Độ đục quá mức ở trong các ao gây ra do các hạt đất lơ lửng – đây là chuyện thường xảy ra, đặc biệt trong nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Phương pháp hiệu quả nhất trong việc ngăn chặn các ao “bùn” là kiểm soát sự xói mòn cả ở các đường dẫn nước vào ao và trong các ao.

Sử dụng các ao lắng bùn/trầm tích để làm sạch độ đục quá mức ở những nơi không thể tránh được các nguồn nước đục trước khi đưa nước vào các ao. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, các ao có thể vẫn đục sau khi thực hiện mọi biện pháp thông thường kiểm soát xói mòn và loại bỏ độ đục từ dòng chảy vào.

Quá trình lắng hạt

Các hạt đất lắng xuống từ nước theo phản ứng với trọng lực và các hạt lớn lắng nhanh hơn các hạt nhỏ hơn có mật độ bằng nhau. Mật độ của đất khoáng nhiều gấp hai lần mật độ của chất hữu cơ. Do vậy, chất khoáng lắng nhanh hơn nhiều chất hữu cơ ở cùng kích cỡ hạt. Các vấn đề về độ đục thường do các hạt đất sét hoặc bùn mịn. Các hạt này vẫn duy trì lơ lửng, gây ra độ đục kéo dài vì 3 lý do căn bản. Một khối nước có thể có đủ nhiễu loạn để chặn các hạt mịn lắng xuống. Tốc độ tái lơ lửng của các hạt có thể vượt tốc độ lắng bùn. Ngoài ra, keo đất sét lắng với một tốc độ cực kỳ chậm.

Các hạt đất sét tích điện âm và lực đẩy lẫn nhau chống lại chiều hướng các hạt tạo floc với nhau và lắng xuống. Sự hiện diện của các ion dương có chiều hướng trung hòa điện tích âm trên các hạt đất sét và làm cho chúng tạo floc. Khả năng của các ion dương để tạo floc các hạt đất sét tăng với hóa trị tăng dần.

Các ion dương có hóa trị 1 [sodium (Na+) và potassium (K+)] là chất tạo bông ít hiệu quả hơn nhiều so với các ion dương có hóa trị 2 [calcium (Ca2+) and magnesium(Mg2+)]. Các ion dương có hóa trị 3 như là nhôm và sắt là các chất tạo bông đặc biệt mạnh, nhưng hàm lượng tự nhiên của chúng trong nước rất thấp.

Tốc độ của các hạt keo đất sét lắng từ nước trở nên lớn hơn khi mà tổng hàm lượng chất rắn hòa tan (độ dẫn điện hoặc độ mặn) tăng lên. Chiều hướng này mạnh hơn nhiều nếu độ cứng nước (hàm lượng calcium và magnesium lớn hơn) cũng tăng ở mức cao hơn tổng hàm lượng chất rắn hòa tan.

Các quá trình sinh học cũng có thể làm cho các hạt đất sét lắng xuống. Vi khuẩn, thực vật phù du và các hạt chất hữu cơ phân rã có các bề mặt nhầy để các hạt đất sét bám vào làm cho quá trình tạo bông bắt đầu. Ngoài ra, các thay đổi về pH nước do hoạt động quang hợp hoặc quá trình phân hủy chất hữu cơ đôi khi thay đổi các điều kiện trên hoặc xung quanh các hạt đất sét và làm cho chúng tạo bông và lắng xuống.

Độ kiềm

Khi các nguồn gây đục đã được loại bỏ mà nước vẫn không trong thì nên kiểm tra tổng kiềm. Nếu độ kiềm thấp – thấp hơn 30mg/L – nên sử dụng lượng vôi nông nghiệp từ 2.000 đến 3.000 kg/ha. Lựa chọn khác có thể dùng vôi sống nhưng nếu ao đã thả giống thì lượng vôi sống xử lý không nên quá 50kg/ ha để tránh pH cao. Liều lượng vôi sống xử lý có thể lập lại hàng tuần.
Trong các ao có độ kiềm trên 40mg/L hoặc nếu vôi sống không làm hết đục thì có 2 lựa chọn: cố gắng làm hết đục bằng cách sử dụng các loại phân bón (vô cơ) hoặc xử lý ao bằng các chất keo tụ. Phương pháp phổ biến là thử bón các loại phân và sử dụng các chất keo tụ như là phương cách cuối cùng.

Các ao nuôi trồng thủy sản, các chất keo tụ

Hầu hết các ao nuôi trồng thủy sản có độ đục quá mức được bón phân hữu cơ, các loại phân hóa học hoặc là có thức ăn. Trong các ao có phân bón hữu cơ hoặc thức ăn, sử dụng một hoặc nhiều lần phân urê và triple superphosphate (TSP) hoặc các loại phân bón nitơ và phốtpho khác có thể làm cho các hạt đất sét lắng xuống.

Ở các ao đục có bón phân, sử dụng phân động vật, cỏ hoặc chất hữu cơ khác có thể làm hết đục. Khi cần lượng lớn chất hữu cơ đầu vào từ 1.000 – 2.000 kg/ha thì việc cần thiết thường làm là đưa chất hữu cơ thành nhiều liều nhỏ cách nhau vài ngày để tránh làm suy kiệt oxy hòa tan.

Có thể có nhiều loại chất keo tụ bao gồm calcium sulfate (thạch cao), calcium chloride, aluminum sulfate (phèn nhôm), aluminum chloride, iron sulfate, iron chloride và polymer hữu cơ nhất định. Hai chất keo tụ phổ biến nhất được sử dụng trong các ao nuôi trồng thủy sản là thạch cao và alum (phèn nhôm).

Thạch cao

Để loại bỏ độ đục phải sử dụng một lượng lớn thạch cao. Mức xử lý thông thường là 100-150 mg/L, nhưng các kiểm tra phải thực hiện trong máy khuấy để xác định mức xử lý thấp nhất có hiệu quả. Ở ao diện tích 1 ha với độ sâu 1m, mức xử lý là 100mg/L sẽ cần liều lượng 1.000kg/ha.

Nên rải thạch cao khắp bề mặt ao và khi thạch cao hòa tan thì sẽ làm tăng hàm lượng calcium trong nước để cải thiện các điều kiện cho quá trình tạo bông của các hạt lơ lửng. Mức xử lý hiệu quả đối với calcium chloride tương tự như thạch cao.

Alum (phèn nhôm)

Để làm hết đục thì liều lượng của hỗn hợp sắt và nhôm cần ít hơn so với hỗn hợp calcium. Ví dụ như filter alum (phèn nhôm thủy phân) thường có hiệu quả ở hàm lượng 20-50mg/L và máy khuấy kiểm tra độ phèn có thể xác định mức sử dụng tối ưu. Alum (phèn nhôm) có mối nguy hiểm tiềm tàng vì có tính axít cao nên công nhân cần mặc quần áo bảo hộ khi sử dụng. Alum (phèn nhôm) cũng làm suy giảm tổng hàm lượng kiềm vào khoảng 0,5 mg/L đối với mỗi 1,0 mg/L của chất keo tụ này.

Trong hầu hết các ao, alum (phèn nhôm) làm giảm độ kiềm và pH, nhưng sau vài ngày, các giá trị trở lại như các mức ban đầu (Hình 1). Tuy nhiên, các liều xử lý bằng alum (phèn nhôm) không nên nhiều hơn 50% tổng hàm lượng kiềm và nước có độ kiềm thấp nên bón vôi sau khi sử dụng alum (phèn nhôm).

Nên hòa tan alum (phèn nhôm) trước trong nước và tạt khắp bề mặt nước ao vào ngày tĩnh không mưa. Có thể sử dụng quạt nước/ sục khí trong vài phút để trộn alum (phèn nhôm) với nước ao, nhưng sau đó nên tắt máy để làm cho floc lắng xuống.
Một việc quan trọng là sử dụng đủ lượng alum (phèn nhôm) ban đầu để tạo bông, bởi vì alum (phèn nhôm) không có hiệu ứng dư. Hoạt chất, sắt nhôm kết tủa từ nước như nhôm hydroxide trong vòng vài phút. Nếu liều xử lý ban đầu không hiệu quả thì uổng công. Do vậy cẩn trọng kiểm tra bằng máy khuấy để xác định mức xử lý tối thiểu có hiệu quả.

Để thực hiện test, làm dung dịch gốc alum (phèn nhôm) 10.000 mg/L bằng cách hòa tan 1g alum (phèn nhôm) trong 100mL nước và đổ nước vào 10 lọ hoặc cốc trong suốt có thể tích 1-L để kiểm tra. Pha một loạt hàm lượng alum (phèn nhôm) từ 5 – 50 mg/L cách nhau 1 khoảng là 5 mg/L bằng cách cho dung dịch gốc (0,5 mL dung dịch gốc = 5 mg/L alum) vào các lọ. Khuấy mạnh, đợi 1 giờ và xác định hàm lượng thấp nhất gây đục để kết tủa.

Loại bỏ các nguồn gây đục trước

Tác dụng của liều xử lý alum (phèn nhôm) 25mg/L trên tổng độ kiềm, pH và độ đục của nước ao.
Xử lý bằng các chất keo tụ, cụ thể là alum (phèn nhôm), hầu như luôn luôn làm hết đục từ các ao. Tuy nhiên, độ đục có thể trở lại bởi vì các nguồn gây đục chưa được kiểm soát, hoặc sự khuấy đục từ các loài sinh vật nuôi. Quạt nước/ sục khí tạo dòng có thể gây đục, tác dụng của gió và sóng bình thường là đủ để tái lơ lửng các hạt liên tục và gây đục. Phương pháp tốt nhất luôn luôn là để loại bỏ các nguồn gây đục và chỉ sử dụng alum (phèn nhôm) khi độ đục vẫn còn.

Nếu liều xử lý đầu tiên bằng alum (phèn nhôm) không hiệu quả thì uổng phí. Do vậy cần cẩn thận dùng máy kiểm tra độ phèn (jar test) để xác định mức xử lý tối thiểu có hiệu quả.

Nguồn: Theo Advocate – Tạp chí thủy sản nuôi toàn cầu tháng 09-10/2012

Saturday, April 6, 2013

Đối phó bệnh EMS/AHPNS trên tôm

Đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính và cách phòng trừ bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (EMS/AHPNS) trên tôm. Một số kết quả nghiên cứu bước đầu về bệnh EMS/AHPNS vì thế càng đáng chú ý.


Bệnh hoại tử gan tụy cấp tính đang hoành hành tại nhiều nước (ảnh TS Chalor Limsuwan)

Tại hội thảo “Chuyển giao kỹ thuật nuôi tôm” vừa được tổ chức tại Tiền Giang, TS Chalor Limsuwan (Hiệp hội Thủy sản Thái Lan) cho biết, hội chứng EMS/AHPNS gây chết tôm ở giai đoạn 15 - 50 ngày đầu sau khi thả giống và không liên quan gì đến các bệnh thông thường trên tôm khác (như đốm trắng, đầu vàng, teo gan). Tôm bị EMS/AHPNS thường chết trong giai đoạn 15 - 20 ngày sau khi thả giống.

Theo dõi những ao tôm bị bệnh EMS/AHPNS ở Thái Lan và Việt Nam, thấy tình trạng tôm chết khi chưa tới 30 ngày tuổi thường xảy ra ở những ao thả tôm giống có chất lượng không tốt do ấu trùng được ương với mật độ quá cao, ao sử dụng nhiều chế phẩm sinh học suốt quá trình chuẩn bị nước và trong 30 ngày đầu sau khi thả giống (làm giảm pH và độc tố dưới dạng khí NH3).

Thực nghiệm cho thấy, khi pH thấp thì tôm lột xác nhiều hơn so với điều kiện bình thường, khiến sức khỏe yếu, tôm chết sau khi lột xác (với hiện tượng vỏ tôm mềm và cơ thịt có màu trắng đục).

Đối với tôm chết trong giai đoạn 30 - 50 ngày tuổi, hội chứng EMS/AHPNS thường xảy ra ở những ao có sự chuẩn bị nước ao nuôi không tốt, như: độ trong của nước trong ao cao dẫn đến sự phát triển của tảo đáy, pH và độ kiềm giảm do mưa; quạt nước được bố trí và vận hành không hợp lý dẫn đến thiếu ôxy hòa tan trong khu vực bùn đáy ao.

Cùng nhận định trên, TS Nguyễn Văn Hảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II cho rằng, hội chứng EMS/AHPNS gây chết tôm là sự kết hợp hai yếu tố, đầu tiên là do độc tố làm mất chức năng gan, sau đó nhóm vi khuẩn Vibrio sẽ xâm nhập gây tôm chết hàng loạt và lan rộng. Nguyên nhân là do cải tạo và chuẩn bị ao nuôi không đúng kỹ thuật, khu nuôi không có ao lắng, mùa vụ thả giống chưa thích hợp, không kiểm soát được sự nở hoa của tảo và mật độ vi khuẩn, xử lý nước và sử dụng thức ăn không đúng kỹ thuật, lạm dụng chế phẩm sinh học.

Để phòng ngừa hội chứng EMS/AHPNS, theo TS Chalor Limsuwan, người nuôi nên dùng tôm giống PL12 hoặc lớn hơn, có chất lượng tốt; nên dùng hóa chất để xử lý nước; không dùng chế phẩm sinh học trong suốt tháng đầu thả nuôi. Ao nuôi cần duy trì pH 7,8-8,2; độ kiềm lớn hơn hoặc bằng 100mg/l (ppm), nồng độ ôxy hòa tan 4mg/l và duy trì màu nước suốt quá trình nuôi.
Thăm sàng ăn của tôm, nếu thấy một vài cá thể tôm có biểu hiện hội chứng EMS/AHPNS, người nuôi cần ngừng cho tôm ăn 2 - 3 ngày để giảm hoạt động hệ thống gan tụy của tôm, sau đó cho tôm ăn trở lại với liều lượng giảm tương ứng sức khỏe tôm nuôi. Cùng đó, người nuôi cần nâng pH để tôm giảm lột vỏ và duy trì sức khỏe tôm, đồng thời bổ sung khoáng chất để nâng sức đề kháng cho tôm.

Nguồn: www.thuysanvietnam.com.vn

Friday, April 5, 2013

Ảnh hưởng của Dipterex đến đời sống thủy sinh vật và con người

Dipterex là thuốc trừ sâu lân hữu cơ chứa hoạt chất Trichlorfon được sử dụng để diệt côn trùng như gián, rệp, bọ chét, ruồi, bọ ve, và rầy lá. Dipterex còn được sử dụng rộng rãi trong cây trồng và rau quả cũng như dùng diệt ký sinh trùng trong nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, từ năm 2005, Dipterex đã được liệt vào danh mục những hóa chất kháng sinh bị cấm sử dụng theo Quyết định số 07/2005/QĐ-BTS ngày 24 tháng 2 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Thủy sản.


Cấu tạo và đặc tính của Dipterex

Dipterex là hợp chất hóa học có tên hóa học: 2,2,2-Trichloro-1-hydroxyethyl)phosphonic acid dimethyl ester(C4H8Cl3O4P). Khối lượng phân tử: 257,436 g/mol. Dipterex ở dạng tinh thể màu vàng trắng nhạt và có mùi ethyl ether. Các sản phẩm thương mại của Dipterex có nhiều tên khác nhau như: Anthon, Bovinos, Briten, Chlorophos, Ciclosom, Ditrifon, Dylox, Dyrex, Equino-Aid, Foschlor, Leivasom, Neguvon, Masoten, Pronto, Phoschlor, Proxol, Totalene, Trichlorophene, Trichlorophon, Trinex, Tugon and Vermicide Bayer 2349... Khi Dipterex được sử dụng ở dạng thuốc, thường được gọi là metrifonate hay metriphonate.

Dipterex hòa tan khá tốt trong nước (120g/L), ngoài ra còn có khả năng hòa tan trong các dung môi khác như: alcohols, ketones, dichloromethane, 2-propanol, methylene chloride and toluene. Khi hòa tan Dipterex vào nước, hơn 80% hoạt chất sẽ nhanh chóng chuyển hóa thành các hóa chất khác nhau trong đó Dichlorvos là một trong các hợp chất chủ yếu. Thời gian bán hủy (DT50) của trichlorfon trong nước ở nhiệt độ 25oC là 117 ngày ở pH=5, 38 giờ ở pH=7 và 31 phút ở pH=9. Hợp chất Dichlorvos cũng được sử dụng phổ biến và có các tên thương mại như: Dipterex, Apavap, Benfos, Cekusan, Cypona, Derriban, Derribante, Devikol, Didivane, Duo-Kill, Duravos, Elastrel, Fly-Bate, Fly-Die, Fly-Fighter, Herkol, Marvex, No-dịch hại, Prentox, Vaponite, Vapona, Verdican, Verdipor, và Verdisol. Cũng như Dipterex, Dichlorvos đã bị cấm sử dụng.

Sử dụng Dipterex trong nuôi trồng thủy sản

Trước đây, Dipterex được sử dụng như một loại hóa chất có hiệu quả trong nghề nuôi trồng thuỷ sản. Nó được sử dụng để diệt các loại ký sinh trùng có hại trong thủy sản. Dipterex có khả năng diệt côn trùng rất cao, chúng được sử dụng ở dạng bột, khối hay nhủ tương với hoạt chất dao động từ 40% đến 98%. Trong nuôi trồng thủy sản, Dipterex dùng để diệt giáp xác trong ao nuôi tôm, tẩy trùng ao nuôi và trị các bệnh do ký sinh trùng gây ra như: protozoa, trùng mỏ neo, rận cá... hay dùng để diệt các loại sán lá, các nội ký sinh. Nồng độ sử dụng phun xuống ao 0,1 ppm đối với Dipterex 50% hay 0,1-0,2 g/m3 đối với dạng bột.

Ảnh hưởng của Dipterex đối với đời sống thủy sinh vật

Dipterex rất độc đối với thủy sinh vật. Độ độc cấp tính của hoạt chất Trichlorfon (LC50 hoặc EC50) đối với những loài nhạy cảm (sensitive species) thường rất nhỏ, giá trị LC50 của một số loài động vật thủy sinh được minh họa qua Bảng sau:

LOÀI THỦY SINH VẬT
LC50 96 giờ (mg/L)
Cá Hồi nước ngọt (brook trout)
2,5
Cá Hồi vân
1,4
Cá da trơn
0,88
Tôm Crayfish
7,8
Côn trùng
0,01
Daphnia (trứng nước)
0,0

Dipterex cũng như các thuốc trừ sâu gốc lân khác, tác động lên cá làm biến đổi tế bào biểu mô của cơ quan hô hấp, thay đổi cấu trúc mang cá và làm giảm điều hòa áp suất thẩm thấu, làm thay đổi cấu trúc của các lá mang cá. Thêm vào đó, việc ức chế hoạt tính của enzyme Acethylcholinesterase (AchE) làm giảm khả năng bơi lội của cá dẫn đến làm giảm khả năng sử dụng hiệu quả thức ăn của cá. Nghiên cứu trên lươn (Anguilla anguilla) khi tiếp xúc với dichlorvos có sự giảm hoạt tính của engyme Glutathione. Cá rô phi (Oreochromis niloticus) sau 72 giờ tiếp xúc với dipterex ở nồng độ 0,25 ppm đã gây nên hiện tượng phù và xuất huyết đồng thời làm tăng hoạt tính của enzyme AChE ở cơ của cá. Đối với đa số các loài cá, khi cho tiếp xúc với dipterex hay dichlorvos, hoạt tính của engyme AchE và glutathione trên não bị ức chế, chứng tỏ hóa chất này có ảnh hưởng đến sức khỏe cá nuôi hay ít nhất là gây stres trên cá nuôi. Đối với tôm càng xanh khi cho tiếp xúcvới Dipterex, khả năng đáp ứng miễn dịch của tôm bị ức chế, khả năng kháng lại vi khuẩn Lactococcus garvieae bị giảm.

Ảnh hưởng của Dipterexđối với sức khỏe con người

Sau khi hóa chất tiếp xúc qua da trong vài phút hay kéo dài trong vài giờ, thuốc sẽ thấm qua da, đi vào máu và tác động đến chức năng thần kinh do ức chế enzyme cholinesterase. Một số triệu chứng gặp phải như buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng, nhức đầu, chóng mặt, đau mắt, mờ mắt, chảy nước mắt, đổ mồ hôi hay hôn mê. Bên cạnh đó, hóa chất này còn gây độc mãn tính đối với người sử dụng. Khi tiếp xúc nhiều với dipterex xuất hiện một số biểu hiện như: giảm trí nhớ, mất tập trung, mất phương hướng, trầm cảm, ác mộng, mộng du và buồn ngủ hoặc mất ngủ. Các biểu hiện khác như đau đầu, buồn nôn, suy nhược, chán ăn, và mệt mỏi. Ngoài ra, một số nghiên cứu cho thấy trichlorfon có khả năng gây đột biến gen, quái thai và biến dạng xương trên chuột (mice), chuột cống (rat) và chuột đồng (hamster).

Tóm lại, Dipterex rất độc cho sức khỏe của người và động vật. Trong nuôi trồng thủy sản, sử dụng hóa chất này thực sự nguy hiểm do ảnh hưởng đến sức khỏe cá nuôi cũng như sức khỏe của người sử dụng. Vì vậy, không nên sử dụng loại hóa chất này trong sản xuất nông nghiệp cũng như nuôi trồng thủy sản.

THS. TRẦN MINH PHÚ VÀ PGS.TS. ĐỖ THỊ THANH HƯƠNG, Khoa Thủy sản, ĐH CẦN THƠ
Nguồn: UV-Việt Nam

Quy trình nuôi tôm 3 pha để kiểm soát dịch bệnh gan tụy cấp tính trên tôm (Three phase farming protocol to reduce risks of AHPNS)

Trên cơ sở hiểu biết dịch bệnh gan tụy, với các nghiên cứu hiện nay đang tập trung mối nghi ngờ vào nguyên nhân chính gây bệnh gan tụy là bacteriophages cùng với quan sát thực tiễn ổ dịch và bản chất của dịch bệnh gan tụy, TS. Nguyễn Duy Hòa (Giám đốc bán hàng và hỗ trợ kỹ thuật của Công ty INVE Aquaculture) từ lâu đã đưa yếu tố tảo độc vào một trong các mối nghi ngờ gây hoại tử gan tụy cấp tính.


Sau khi gan tụy tôm bị tấn công bằng bacteriophagaes hoặc tảo độc thì hệ thống miễn dịch của tôm bị suy giảm làm cho các nhóm cơ hội như Vibrio sp. và Vi bào tử trùng dễ dàng tấn công làm chết tôm. Vì vậy, tôi đã xây dựng QUY TRÌNH NUÔI 3 PHA và các giải pháp kỹ thuật nhắm vào việc giải quyết các tác nhân và nguyên nhân làm bệnh gan tụy bùng phát từ đó giảm thiểu rủi ro cho người nuôi tôm. Quy trình này được triển khai tại Mỹ Thanh – Sóc Trăng ban đầu trên 7 ao nuôi trong đó Công ty INVE Aquaculture hỗ trợ 40% sản phẩm cho 06 ao nuôi và trong quá trình triển khai dựa trên các kết quả của 07 ao nuôi đầu tiên chủ trại nuôi đã mở rộng lên 28 ao nuôi. Đến nay đã có 7 ao đạt 84 ngày nuôi (thời điểm 78 ngày nuôi cân trọng lượng trung bình tôm đạt 16 đến 18 g); 7 ao đạt 70 ngày nuôi (thời điểm 60 ngày nuôi cân đạt trọng lượng trung bình 11 đến 12g), 14 ao nuôi còn lại hiện nay đạt trên 40 ngày nuôi với trình trạng sức khỏe tôm rất tốt.

Giải pháp kỹ thuật tập trung vào giải quyết các nhóm tác nhân chính (độc tố tảo và bacteriophages) và tác nhân nhân cơ hội (Vibrio sp. và Vi bào tử trùng). Quan trọng nhất là việc lựa chọn các sản phẩm sinh học và dinh dưỡng để giải quyết triệt để các tác nhân chính và cơ hội của dịch bệnh gan tụy trên tôm. Tôi được may mắn làm cho Tập đoàn INVE Aquaculture là tập đoàn uy tín vì có nhiều sản phẩm chất lượng cao phục vụ cho nghề nuôi thủy sản, đặc biệt trong lĩnh vực giống thủy sản và hiện nay Tập đoàn INVE Aquaculture đang phát triển các sản phẩm chủ lực phục vụ cho nghề nuôi tôm thịt. May mắn hơn nữa là Tập đoàn INVE Aquaculture họ luôn để cho chúng tôi chủ động thực hiện các ý tưởng sáng tạo của mình nhờ vậy sự thành công mô hình đã nhanh chóng hơn sự mong đợi của tôi. Xin cảm ơn TS. Olivier, anh Rudi và chị Tiên đã tạo điều kiện cho tôi thực hiện mô hình này vớt tất cả các ý tưởng của tôi.

Quy trình nuôi 3 pha bao gồm:

Pha 1: từ ngày chuẩn bị ao (2 tuần) đến ngày 35 (tổng cộng khoảng 50 ngày)

Pha này tập trung phát triển các loài tảo có lợi (green algaes and diatoms) tức là phát triển hệ thống Quang tự dưỡng trong ao (photoautotrophic system) nuôi theo hướng chọn lọc các loài tảo có lợi cho tôm (pha này chủ yếu 70-80% hệ sinh vật Quang tự dưỡng – Photoautotrophic system và khoảng 20-30% là hệ sinh vật dị dưỡng – Heterotrophic system).

Pha 2: từ ngày nuôi 35 đến ngày nuôi 45, quy trình nuôi của tôi chuyển dần sang Hệ sinh vật dị dưỡng (khoảng 50% là hệ Quang tự dưỡng và 50% Hệ dị dưỡng).

Pha 3: sau 45 ngày nuôi chuyển dần qua chủ lực là hệ sinh vật dị dưỡng Heterotrophic bacteria chiếm 70-80% trong ao nuôi và chỉ khoảng 20% trong ao nuôi là hệ Quang tự dưỡng.

(Chú ý Quy trình này hầu như loại bỏ hoàn toàn hệ sinh vật tự dưỡng Autotrophic bacteria)

Về mặt kỹ thuật Quy trình này tập trung giải quyết:

Giải quyết nguồn tảo độc trong ao (kiểm soát tỉ lệ N:P)
Giải quyết bacteriophages và Vibrio sp. trong ao (Kiểm soát tỉ lệ C:N)
Giải quyết nguy cơ Vi bào tử trùng tronng ao (xử lý đáy ao)
Tăng cường hệ thống miễn dịch cho tôm (bổ sung dinh dưỡng và vi sinh đường ruột).

QUY TRÌNH NUÔI TÔM 3 PHA SỬ DỤNG SẢN PHẨM CÔNG TY INVE AQUACULTURE
GIẢM THIỂU NGUY CƠ DỊCH BỆNH GAN TỤY CẤP TÍNH CỦA TÔM THẺ CHÂN TRẮNG


Chuẩn bị ao nuôi

Dùng sản phẩm Sanocare-PUR là sản phẩm triệt trùng hiệu quả của Công ty INVE Aquaculture nhờ hủy được màng sinh học của vi khuẩn (Biofilm) pha ở nồng độ 1% (1 Kg cho 100 lít nước) xịt đều bờ ao, đáy ao và phơi 72 giờ. Sau đó, lấy nước từ ao lắng vào ao nuôi qua vào lưới lọc mịn < 120 µm hoặc lọc qua 2 lới vải Ka tê rồi để lắng nước 72 giờ, sau đó có thể dùng Chlorine chất lượng (của Nhật) xử lý nước ở nồng độ 40 ppm hoặc dùng TCCA (ở liều 10 đến 15 ppm) và 24-48 giờ sau mới tiến hành gây màu nước bằng các sản phẩm điều chỉnh pH, nâng Kiềm, phân bón hữu cơ (thức ăn viên cho gà hoặc thức ăn tôm, đậu nành), và đặc biệt sản phẩm Sanolife-Nutrilake của Công ty INVE Aquaculture (3,5-4 Kg cho 1,000 m3 nước đánh 1 tuần 1 lần trong giai đoạn chuẩn bị ao cũng như đến khi nuôi được 45 ngày, sau đó định kỳ 10-15 ngày 1 lần dùng cùng liều lượng cho đến khi thu hoạch) đây là sản phẩm nhằm cung cấp khoáng sinh học (NaNO3, Silic,….) cho ao và kích thích hệ tảo khuê phát triển trong ao ở mức tốt nhất, đồng thời phóng thích oxi đáy làm gia tăng tiềm năng oxi hóa khử ở đáy ao nuôi giúp khoáng hóa và làm sạch đáy ao. Ngoài ra, Nutrilake sẽ tác động bổ trợ cho nhóm vi sinh vật dị dưỡng hiếu khí có mặt trong Pro-W để khử khí độc Ammonia, Nitrite và H2S. Vì vậy, sản phẩm Nutrilake được gọi là sản phẩm 3 trong 1 (kích thích tảo khuê phát triển, khoáng hóa làm sạch đáy ao, khử khí độc đáy ao). Khi ao bắt đầu lên màu hơi đậm thì dùng sản phẩm Sanolife-Pro-W là sản phẩm vi sinh xử lý đáy ao nuôi và cắt bớt tảo khi mật độ tảo quá dày nhằm kiểm soát tảo ở mật độ thích hợp nhất – đây là sản phẩm chủ lực chứa các nguồn vi sinh có lợi tiết các enzymes xử lý chất thải đáy ao được bón 2 lần trong quá trình chuẩn bị ao (150g cho 10,000 m3 nước) và cùng với Sanolife-Nutrilake kiểm soát mật độ tảo tốt nhất - Việc kiểm soát mật độ tảo phát triển cao vừa phải là một trong các mấu chốt của nghề nuôi tôm (nếu tảo có mật độ quá cao sẽ làm pH trong ngày biến động nhiều làm ảnh hưởng đến nhiều chỉ tiêu khác của ao nuôi).

Thả giống và chăm sóc bằng các sản phẩm của Công ty INVE Aquaculture

Một ngày trước khi thả giống dùng sản phẩm Sanocare-PUR ở liều lượng 0,8 ppm (800 g tức 1 hộp Sanocare-PUR cho 1.000 m3 nước) nhằm loại bỏ hết nguồn Vibrio tái phát trong quá trình gây màu cho ao nuôi – sau đó 48 giờ thì dùng sản phẩm Sanolife Pro-W ở liều 200 g cho 10.000 m3 (cho ao 6.000m2 có độ sâu 1,6m) - đặc biệt lợi điểm của sản phẩm Sanocare-PUR là chỉ diệt khuẩn mà không làm rớt tảo ngay cả khi nồng độ xử lý khuẩn 4ppm vẫn không làm rớt tảo, tuy nhiên do diệt khuẩn nên đồng thời diệt các vi snh có lợi trong ao vì vậy 48 giờ sau khi xử lý PUR phải cấy lại vi sinh Pro-W.

Từ ngày thả nuôi 1 đến ngày 45 dùng sản phẩm Sanolife-Nutrilake mỗi tuần 1 lần ở liều lượng 4 Kg cho 1.000 m3 khối nước nhằm kiểm soát tỉ lệ N:P ở mức 25:0,5-1 (25 N và 0,5-1 P), sau đo10-15 ngày 1 lần cùng liều lượng cho đến khi thu hoạch. Sản phẩm vi sinh xử lý đáy Sanolife Pro-W được dùng 10 ngày 1 lần ở liều 100g cho 10.000 m3 nước ở tháng đầu tiên, sau đó dùng 1 tuần 1 lần ở liều 200g cho 10.000m3 cho đến khi thu hoạch.

Sản phẩm Sanolife AFM là sản phẩm chiết xuất từ cây Yuca nhằm xử lý ammonia từ 45 ngày trở đi với liều dùng 1 lít cho 3.000 đến 5.000m3 và định kỳ 20 ngày 1 lần nhằm kiểm soát ammonia cũng như làm đẹp màu nước (giảm đục, giảm đậm màu), đặc biệt có thể phối hợp với Pro-W khi cắt tảo sẽ hiệu quả vì nó giúp loại bỏ bớt đạm ammonium là nguồn dinh dưỡng cho tảo (đánh AFM trước rồi đánh Pro-W và Nutrilake).

Sản phẩm tăng cường hệ thống miễn dịch và sức khỏe cho tôm bao gồm:

Sanolife Pro-2 là sản phẩm vi sinh đường ruột được trộn hàng ngày ở liều 5 g cho 1 Kg thức ăn cho đến ngày nuôi 30, sau đó giảm còn 3g cho 1 Kg cho đến khi thu hoạch. Sanolife Pro-2 gồm các chủng vi sinh có lợi tiết ra a xít hữu cơ tự nhiên giúp giảm pH đường ruột nhằm ức chế Vibrio sp phát triển, đồng thời có các chủng vi sinh gia tăng hấp thu các thức ăn đã được tiêu hóa.

Sản phẩm Sanoguard Top-S là sản phẩm bao gồm các chất tăng cường hệ thống miễn dịch cho tôm (chẳng hạn β-glucans, các Vitamin, Selenium, Nucleotic acids, Carotennoids,……). Sản phẩm này được trộn thức ăn ở liều 10g cho 1 Kg thức ăn ở 30 ngày ngày đầu, sau đó trộn 5g cho 1 Kg thức cho đến khi thu hoạch.

Điều chỉnh các pha nuôi

Các pha nuôi của quy trình (Photoautotrphic system và Heterotrophic system) được điều chỉnh thông qua 3 sản phẩm chủ lực Sanolife-Nutrilake, Sanolife Pro-W và rỉ đường (Mollasses). Việc điều chỉnh 3 pha nuôi tùy theo điều kiện cụ thể khi theo dõi ao để tính toán lượng rĩ đường, lượng Sanolife-Nutrilake và Sanolife-ProW thích hợp.

Sự thành công của quy trình nuôi này đang được bà con nông dân ở Sóc Trăng và Bến Tre quan tâm. Sắp tới tôi sẽ xây dựng và phát triển quy trình nuôi Bioflocs đầy đủ (Full Bioflocs) ở Sóc Trăng và hy vọng công nghệ Bioflocs này sẽ góp phần hơn nữa việc giảm thiểu rủi ro dịch bệnh gan tụy cấp tính trên tôm hiện nay.

Quy trình này được phát triển bởi TS. Nguyễn Duy Hòa, BS. Nguyễn Trọng Nhi và anh Đinh Ngọc Thành ở Mỹ Thanh – Sóc Trăng.

Nguồn: http://contom.com.vn/

Monday, April 1, 2013

Khí carbonic trong ao nuôi thủy sản

Nguồn khí carbonic (CO2) trong ao nuôi thủy sản chủ yếu sinh ra từ hoạt động hô hấp của sinh vật và tảo, ngoài ra quá trình phân giải chất hữu cơ cũng tạo ra khí carbonic đáng kể. Người nuôi chủ yếu quan tâm việc quản lý hàm lượng oxi hòa tan trong khi khía cạnh các yếu tố cân bằng oxi là khá quan trọng.


Ban ngày, sự quang hợp của tảo và các thực vật khác trong ao sản sinh ra oxi hòa tan trong khi ban đêm quá trình quang hợp bị ngưng thì quá trình hô hấp diễn ra và tảo cũng như các sinh vật sẽ tiêu thụ oxi hòa tan về đêm và thải ra khí carbonic. Vì vậy, biến động ngày đêm của oxi hòa tan là ngược chiều với khí carbonic: ban ngày tảo sẽ lấy carbon từ khí carbonic nên hàm lượng khí carbonic giảm thấp vào ban ngày (gần về 0 mg/l) trong khi ban đêm quá trình hôp hấp sản sinh khí carbonic và đẩy nhanh lượng khí carbonic về đêm (10 đến 15 mg/l).

Khí carbonic có thể gây độc cho sinh vật và có liên quan mật thiết đến biến động hàm lượng ngày đêm của cả oxi hòa tan và khí carbonic. Khí carbonic đạt giá trị cao nhất vào thời điểm oxi hòa tan thấp nhất, vì vậy vào lúc gần sáng sớm là thời điểm cần lưu ý đến độ độc khí carbonic, hơn nữa độ độc của khí carbonic gia tăng khi oxi hòa tan thấp nhất. Cá có thể loại bỏ khí carbonic qua mang nhằm đối phó với sự mất cân bằng của khí carbonic môi trường ngoài và khí carbonic trong máu cá. Tuy nhiên, khi hàm lượng khí carbonic môi trường quá cao so với trong máu cá thì cá khó làm giảm khí carbonic trong máu và làm tích lũy carbonic trong máu hơn. Khi hàm lượng khí carbonic trong máu tăng cao làm giảm khả năng của hemoglobin là phân tử vận chuyển oxi của máu kết quả gây sốc cá.

Mật độ tảo là yếu tố hết sức quan trọng trong việc kiểm soát mối quan hệ oxi hòa tan và khí carbonic trong ngày đêm. Lượng tảo càng dày thì khác biệt và biến động ngày đêm giữa oxi hòa tan và khí carbonic càng lớn. Ngoài ra, mùa hè nhiệt độ nước càng cao càng đẩy nhanh quá trình phân giải hữu cơ cũng như gia tăng quá trình trao đổi chất của sinh vật trong ao đưa đến việc tiêu thụ oxi hòa tan càng nhiều và sản sinh ra khí carbonic càng nhiều vì vậy vào mùa hè vấn đề độc của khí carbonic càng trầm trọng.

Đo pH và Kiềm để ước tính khí Carbonic trong ao

Khí carbonic trong ao có thể đo trực tiếp nếu sử dụng test kit nhưng cũng có thể ước tính thông qua giá trị pH bởi vì Carbonic càng nhiều càng làm cho nước ao a xít hóa làm giảm pH (ngược lại ban ngày khí Carbonic bị tiêu thụ bởi tảo sẽ làm cho pH của nước tăng lên). Có mối quan hệ nội tại quan trọng giữa pH, Kiềm và khí Carbonic. Biết được pH và Kiềm sẽ cho phép ước tính lượng khí Carbonic trong ao, tuy nhiên cần phải đo pH và kiềm chính xác. Phương pháp ước tính đơn giản sử dụng Biểu đồ chuẩn (Biểu đồ chuẩn ở Hình 2) có sẳn như sau (Biểu đồ này có thể photocopy ra và sử dụng cho trại nuôi):

Hình 1. Biến động ngày đêm của oxi hòa tan và khí carbonic

(Chú giải: Dissolved oxygen: oxi hòa tan; Carbon dioxide: Khí carbonic; Dawn: Sáng sớm; Midday: giữa ngày; Dusk: chiều tối; midnight: giữa đêm; Concentration: hàm lượng đo được ngày đêm)

Bước 1: Xác định tổng độ kiềm của nước ao sử dụng test kit và xác định giá trị pH của nước khi lấy mẫu nước không để xì bọt khí. Vẽ đường thẳng đứng từ giá trị pH trên trục X cắt các đường cong biểu thị giá trị độ kiềm trong Biểu đồ chuẩn (Hình 3).

Bước 2: Từ các điểm cắt của đường thẳng đứng vẽ từ giá trị pH ở trục hoành X với các đường cong của giá trị Kiềm ta sẽ vẽ đường thẳng đi về bên trái cắt giá trị trục trung Y ở đâu thì đó chính là giá trị hàm lượng khí Carbonic sẽ gây độc khi pH ở dưới mức giá trị pH xuất phát điểm vẽ trên trục hoành X (Hình 3).


Hình 2. Biểu đồ chuẩn để xác định giá trị gây độc khí Carbonic trong ao
Hình 3. Cách xác định giá trị khí Carbonic gây độc (Chú giải: Step 1: Bước 1; Step 2: Bước 2)

Ngoài ra phương pháp “quick and dirty” có thể giúp đánh giá tiềm năng độc của khí Carbonic như sau: lấy một sô nước ao và đo pH, sau đó đặt đá bọt sục khí vào sô nước và cho sục khí khoảng 30 phút rồi đo lại pH và nếu giá trị pH tăng hơn 1 đơn vị thì khí Carbonic trong ao đang ở mức gây độc.

Thông thường trong ao nuôi có độ Kiềm cao vừa phải thì vấn đề độc của khí Carbonic không phải quan tâm vì độ kiềm có tác dụng làm hệ đệm cho pH không bị biến động nhiều. Thường độc tính của khí Carbonic chỉ lớn khi tảo bị tàn hoặc sau khi dùng hóa chất diệt tảo vì khi đó tảo chết là nguồn hữu cơ lớn khi bị phân giải sẽ tiêu hao oxi hòa tan và sản sinh khí Carbonic. Giải pháp tăng sục khí và đảo trộn nước để gia tăng oxi hòa tan và loại bỏ khí Carbonic ra khỏi nước trong những trường hợp tảo tàn là cần thiết và giải pháp có tính căn cơ vì các giải pháp bón vôi chỉ là tạm thời và chỉ có vôi nung (CaO) và vôi tôi (Ca(OH)2) hoặc Sodium Carbonate (Na2CO3) mới có tác dụng loại bỏ Carbonic trong khi vôi nông nghiệp không loại bỏ được khí Carbonic.

TS. Nguyễn Duy Hòa dịch - Nguồn (Jhon Hargreaves và Martin Brunson – Nhà xuất bản SRAC: Trung Tâm Nuôi Trồng Thủy Sản Phía Nam)
http://contom.com.vn

Chất lượng nước nuôi tôm thẻ chân trắng

Bài viết dưới đây giới thiệu các chỉ tiêu chất lượng nước cần theo dõi trong ao nuôi tôm thẻ chân trắng - được dịch từ Sổ tay nuôi tôm thẻ chân trắng của Hawaii - Mỹ.

Các chỉ tiêu chất lượng nước và khoảng cho phép đối với nuôi thương phẩm tôm thẻ chân trắng:


Các yếu tố chất lượng nướcKhoảng đề nghị cho phép
Nhiệt độ28 – 32 oC
Oxy hòa tan5,0 – 9,0 ppm
Khí Carbonic CO2≤ 20 ppm
pH7,0-8,3
Độ mặn0,5 – 35 ppt
Chloride≥ 300 ppm
Sodium (Na+)≥  200 ppm
Tổng độ cứng (CaCO3)≥  150 ppm
Độ cứng canxi (CaCO3)≥  100 ppm
Độ cứng Magiê (CaCO3)≥  50 ppm
Tổng độ kiềm≥  100 ppm
Ammonia dạng độc (NH3)≤ 0,03 ppm
Nitrite (NO2-)≤ 1 ppm
Nitrate (NO3-)≤ 60 ppm
Tổng sắt≤ 1 ppm
Khí H2S≤ 2 ppb
Chlorine≤ 10 ppb
Cadmium≤ 10 ppb
Chromium≤ 100 ppb
Copper (Đồng)≤ 25 ppb
Lead≤ 100 ppb
Mercury≤ 0,1 ppb
Zinc≤ 100 ppb

Tác giả bài viết: TS. Nguyễn Duy Hòa dịch
Nguồn tin: Sổ tay nuôi tôm thẻ chân trắng - Hawaii

Các trường hợp gây trắng hay đục cơ ở Tôm chân trắng

Khác với tôm sú, tôm thẻ chân trắng thường xảy ra hiện tượng đục cơ. Sau đây là các trường hợp gây đục cơ và những giải pháp khắc phục khi nuôi tôm chân trắng.

1. Đục cơ kết hợp với cong thân

Trường hợp này thường xảy ra khi nhấc nhá (sàn, vó) lên khỏi mặt nước vào ban ngày, khi nhiệt độ rất nóng. Tôm nhảy lên và búng mạnh, rồi sau đó một số con bị cong thân. Đuôi uốn cong chạm đến phần giáp ngực, cùng lúc đó mô cơ chạy dọc theo phần giữa cơ thể sẽ trở nên trắng đục. Sau khi được thả trở lại ao, tất cả tôm cong thân đều sẽ chết vì không có khả năng tự duỗi thẳng. Tương tự, khi chài tôm kiểm tra lúc nắng nóng, tôm cũng trắng cơ và cong thân. Cách tốt nhất để hạn chế là không nhấc nhá lên khỏi mặt nước hoặc sử dụng chài để kiểm tra tôm khi thời tiết nắng nóng.

Hiện tượng này đôi khi cũng xảy ra khi tắt toàn bộ quạt nước lúc cho tôm ăn rồi bật quạt chạy trở lại. Việc các dàn quạt hoạt động trở lại có thể khiến tôm "giật mình" và nhiều con nhảy lên mặt nước tạo thành "làn sóng" chạy dọc theo ao. Hiện tượng này thường xảy ra vào lúc khuya, một vài con bị cong thân khi tiếp xúc với không khí và chuyển sang trắng cơ. Thường thì người nuôi không chú ý đến hiện tượng này và đến ngày hôm sau mới phát hiện có tôm chết ở trong ao. Vấn đề này thường xảy ra khi thời tiết có nhiệt độ cao và trong ao có nhiều loài tảo giáp phát triển. Mật độ tảo giáp cao làm cho nước có màu nâu đỏ và tôm yếu đi. Cách tốt nhất để tôm không nhảy lên mặt nước do bị sốc vì bật lại máy quạt nước là khi tôm đạt kích cỡ 10 gram/con hoặc lớn hơn thì người nuôi nên duy trì hoạt động của một vài dàn quạt, thậm chí trong lúc cho tôm ăn.

2. Đục cơ do trong quá trình vận chuyển hoặc sang ao


Khi kéo lưới để bắt tôm cho mục đích thu tỉa hay sang ao, một số tôm sẽ bị stress và một phần hay toàn bộ cơ thịt của nó sẽ bị trắng đục, hoặc thỉnh thoảng có sự pha lẫn giữa màu trắng và màu tối khác thường như màu cam hoặc màu đỏ hồng. Hầu hết tôm có màu khác thường này sẽ chết. Những con khác bị nhẹ nếu có hồi phục thì cũng mất vài ngày màu sắc cơ thể mới trở lại bình thường. Biện pháp tốt nhất là phải kiểm tra sức khoẻ tôm trước khi di chuyển sang ao mới. Nếu tôm khoẻ mạnh thì nó có thể chịu đựng được stress. Nếu người nuôi bắt đầu chuyển tôm và phát hiện thấy một vài con chuyển sang trắng đục thì nên hoãn lại. Nước dùng vận chuyển tôm phải có nhiệt độ 24 - 25oC và hàm lượng oxy phải cao.

3. Đục cơ do hàm lượng oxy thấp

Lượng oxy trong nước ao nuôi sẽ thấp nếu như không lắp đủ các dàn quạt nước tương ứng với số tôm trong ao. Theo kinh nghiệm, mỗi mã lực điện (HP) máy quạt nước thì sẽ cung cấp đủ oxy cho 400 - 500 kg tôm chân trắng. Người nuôi nên tính số lượng dàn quạt nước vừa đủ cung cấp oxy cho lượng tôm có trong ao. Ngoài ra, vị trí đặt dàn quạt nước cũng rất quan trọng, lắp đặt các dàn quạt nước đúng vị trí sẽ tạo được dòng chảy cuốn chất thải vào giữa ao, làm cho đáy ao luôn sạch, đồng thời làm cho oxy được khuyếch tán vào mọi nơi trong ao, đặc biệt là giữa ao, nơi diễn ra sự phân huỷ các chất hữu cơ được tích tụ từ xác tảo tàn và thức ăn dư thừa. Quá trình phân huỷ các chất hữu cơ tăng lên trong suốt vụ nuôi và đây là nguyên nhân làm lượng oxy trong nước giảm xuống thấp. Chất thải hữu cơ tích tụ trong ao sẽ được vi sinh phân huỷ và hoạt động sống của chúng cần lượng lớn oxy. Khi trời có nhiều mây mù hoặc mưa trong vài ngày liên tục, tảo sẽ không thể quang hợp tốt và sẽ không tạo ra nhiều oxy. Trong khi đó, mọi sinh vật sống trong ao bao gồm tôm, tảo và vi sinh vật đều sử dụng oxy. Oxy hoà tan trong nước không đều và rất thấp ở giữa ao, đặc biệt là những ao không có sự trao đổi nước thường xuyên và thả tôm mật độ cao. Khi có nhiều tôm, người nuôi phải cung cấp nhiều thức ăn và màu nước ao sẽ đậm vì tảo phát triển dày đặc.

Nếu oxy trong ao tôm từ 4 ppm trở lên, cơ thể tôm chân trắng có màu sáng bình thường. Nhưng trong những ao nuôi mật độ cao và oxy hòa tan thấp, thì tôm sẽ bị stress và cơ thể sẽ có xu hướng chuyển thành màu trắng hay mờ đục. Khi hàm lượng oxy xuống thấp 1,7 ppm thì tôm sẽ bơi lên mặt nước (tôm nổi đầu) và hầu hết sẽ chết khi lột xác. Hiện tượng này cũng đã được chứng minh ở phòng thí nghiệm Aquaculture Business Research Center của Đại học Kasetsart, Thái Lan. Tôm được nuôi trong bể kính có sục khí đầy đủ. Khi tắt máy sục khí, oxy trong nước giảm và kéo theo hoạt động của tôm giảm. Tôm không bơi lội nhiều và thường có khuynh hướng xuống gần đáy bể. Tôm sẽ không chết hoặc bơi lờ đờ lên mặt nước kể cả khi oxy trong nước thấp hơn 1 ppm. Tuy nhiên, khi hàm lượng oxy xuống thấp hơn thì hầu hết tôm có dấu hiệu mô cơ trở nên trắng đục. Một số con chỉ trắng tại phần gốc của các chân bơi.

4. Đục cơ do bệnh

Ngoài những trường hợp trên, tôm còn có thể đục cơ do bệnh lý. Ở vùng nuôi có độ mặn tương đối cao (25 - 35‰), tôm chuyển sang trắng đục ở một số bộ phận trên cơ thể, nhưng nguyên nhân không phải do stress mà thường do vi bào tử trùng (Microsporidian). Ngoài ra, tôm nhiễm virus (IMNV - Infectiuos Myonecrosis Virus) cũng có thể chuyển sang trắng đục. Các điểm hoại tử nhỏ bắt đầu ở phần đuôi rồi sau đó lan dần ra toàn thân. Tỷ lệ chết tích lũy khá cao, khoảng 40 - 70%. Cho đến nay vẫn chưa có biện pháp chữa trị mà chủ yếu vẫn áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp như không dùng tôm bố mẹ nhiễm bệnh trong các trại giống, loại bỏ những tôm bệnh ra khỏi ao nuôi và làm tốt công tác cải tạo ao.

Tác giả bài viết: GSTS. Chalor Limsuwan, Đại học Kasetsart, Thái Lan
Tạp chí Thực hành Thủy sản Châu Á, số 2, tháng 04 - 06/2011
Nguồn: http://contom.com.vn