Tuesday, March 26, 2013

Kháng sinh nhóm Flouroquinolone và những điều cần lưu ý

Kể từ khi chất có tính kháng khuẩn được phát hiện (Alexander Fleming phát hiện ra penicillin từ nấm penicillium năm 1928 và hơn 10 năm sau thì kháng sinh đầu tiên được đưa vào sử dụng) cho đến nay nhiều loại kháng sinh đã được đưa vào sử dụng và kháng sinh đã và đang đóng một vai trò rất quan trọng trong đời sống của con người.

Để việc sử dụng kháng sinh được hiệu quả hơn, an toàn hơn và tránh những tác hại của nó thì chúng ta cần hiểu rõ về cơ chế tác động, tác dụng và tác hại của kháng sinh. Câu hỏi đặt ra là tại sao có loại kháng sinh bị đưa vào danh mục hạn chế sử dụng, có loại kháng sinh bị cấm sử dụng?

Trong Thông tư số15/2009/TT-BNN do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành ngày 17 tháng 3 năm 2009 (thay thế Quyết định số 07/2005/QĐ-BTS ban hành ngày 24/02/2005 và Quyết định số 26/2005/QĐ-BTS ban hành ngày 18/08/2005): Cấm sử dụng nhóm fluoroquinolone trong sản xuất, kinh doanh thủy sản xuất khẩu vào thị trường Mỹ và Bắc Mỹ; cấm sử dụng enrofloxacin, ciprofloxacin, ofloxacin trong Thú y; hạn chế sử dụng enrofloxacin, ciprofloxacin (dư lượng tối đa 100 ppb).

Mới đây, trong Thông tư số 03/2012/TT-BNNPTNT ban hành ngày 16/01/2012 đã đưa enrofloxacin vào Danh mục hoá chất, kháng sinh cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh Thuỷ sản.

Fluoroquinolone là nhóm kháng sinh nhân tạo, được fluor hóa từ quinolone. Tạisao kháng sinh nhóm fluoroquinolone bị hạn chế và cấm sử dụng trong khi các kháng sinh này (enrofloxacin) đang được sử dụng rất rộng rãi và hiệu quả. Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta tiến hành tìm hiểu về kháng sinh nhóm fluoroquinolone, những đặt điểm và tác dụng của nó.

Quinolone(flumequin, norfloxacin, enrofloxacin, ciprofloxacin, difloxacin, marbofloxacin, ofloxacin...) là nhóm kháng sinh nhân tạo gồm những dẫn xuất của quinolein. Quinolone đầu tiên (acid nalidixic) có phổ kháng khuẩn hẹp (tác dụng trên vi khuẩn Gram âm), được sử dụng vào những năm 1960. Quinolone được fluor hóa gọi là fluoroquinolone đã được đưa vào sử dụng trong lâm sàng vào những năm 1970. Fluoroquinolone có phổ kháng khuẩn rộng, tác dụng trên cả vi khuẩn Gram âm và Gram dương. Kháng sinh nhóm này phân bố đồng đều cả trong dịch nội và ngoại bào, phân bố hầu hết các cơ quan: phổi, gan, mật, xương, tiền liệt tuyến, tử cung, dịch não tủy... và qua được hàng rào nhau thai. Fluoroquinolone bài thải chủ yếu qua đường tiết niệu ở dạng còn nguyên hoạt chất và tái hấp thu thụ động ở thận.

Trongcác cơ chế tác động của kháng sinh lên vi khuẩn thì cơ chế tác động của fluoroquinolone là ức chế tổng hợp acid nucleic. Sự nhân đôi DNA bắt đầu bằng phản ứng tách chuỗi DNA ra làm hai, mỗi bên là một khuôn để gắn nucleotid thích hợp theo nguyên tắt bổ sung. Enzyme DNA polymerase xúc tác sự tổng hợp các liên kết giữa các nucleotid; enzyme DNA gyrase nối các DNA trong quá trình tổng hợp và tạo thành các vòng xoắn. Quinolone (acid nalidixic và các fluoroquinolone) ức chế mạnh sự tổng hợp DNA trong giai đoạn nhân đôi do ức chế enzyme DNA gyrase. Cơ chế tác động này hiệu quả trên cả vi khuẩn Gram dương và Gram âm. Nhưng cũng có thể do cơ chế ức chế tổng hợp acid nucleic này mà kháng sinh nhóm fluoroquinolone được cho là có nguy cơ gây đột biến gene, gây sẩy thai khi sử dụng cho động vật mang thai, và khuyến cáo là không nên dụng kháng sinh nhóm fluoroquinolone cho động vật mang thai, động vật sinh sản và làm giống.

Ngoài ra, sử dụng kháng sinh nhóm fluoroquinolone có thể gây rối loạn phát triển xương, sụn (gót asin ở người). Nguyên nhân có thể do kháng sinh nhóm fluoroquinolone có tính bẩy bắt các ion hóa trị II (Mg2+). Theo nghiên cứu của Jason et al. (2010) trên cừu non đã cho thấy kháng sinh nhóm fluoroquinolone đã gây tác động lớn, làm cho hệ xương, sụn hầu như không phát triển trong thời gian sử dụng kháng sinh nhóm này. Trước đây, vào những năm 1977, 1978 đã có các nghiên cứu về việc ảnh hưởng đến sự phát triển xương, sụn của thú non (chó Beagle, cừu) khi sử dụng kháng sinh nhóm fluoroquinolone (Ingham et al., 1977; Tatsumi et al., 1978). Nhưng do hiệu quả điều trị và mức độ cần thiết của các kháng sinh nhóm kháng sinh này mà người ta đã bỏ qua tác hại của nó.

Bên cạnh đó, sự tồn lưu thời gian dài sau khi sử dụng thuốc kháng sinh nhóm fluoroquinolone cũng là nguyên nhân dẫn đến việc hạn chế và cấm sử dụng những kháng sinh thuộc nhóm này. Ở Mỹ, cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm của Mỹ (FDA: Food and Drug Administration) đã không chấp nhận sự tồn lưu kháng sinh nhóm fluoroquinolone trong sản phẩm thủy sản. Ở châu Âu, EU đã thiết lập giới hạn lớn nhất (MRLs) đối với dư lượng thuốc trong thực phẩm cung cấp cho con người vào những năm 1990. Trong “Council directive 96/23/EC in 1996” đã quy định rõ là enrofloxacin trong cơ, gan, thận của bò, lợn, gia cầm (gà, vịt) là 30µg/kg; trong sữa bò là 100 µg/kg. Ở Việt Nam cũng đã có nhiều nghiên cứu về sự tồn lưu kháng sinh nhóm fluoroquinolone trong thực phẩm nói chung và sản phẩm thủy sản nói riêng (Trần Minh Phú et al., 2008; Phạm Minh Đăng et al., 2008…). Theo Trần Minh Phú et al. (2008), bằng phương pháp sắc ký lỏng đã xác định sự tồn lưu của enrofloxacin trong thịt của cá tra nuôi. Cụ thể là cá ăn thức ăn có enrofloxacin với hàm lượng 10,6 mg/kg thức ăn trong 7 ngày, tồn dư kháng sinh trong cá là 2.796 ± 482 µg/kg. Sau 60 ngày ngừng cho ăn kháng sinh, tồn dư kháng sinh trong cá là 97,9 ± 66,5 µg/kg, cao hơn quy định của châu Âu. Như vậy, có thể nói kháng sinh enrofloxacin có sự tồn lưu lớn, lâu sau khi sử dụng và ảnh hưởng không tốt đến nguồn thực phẩm của chúng ta.

Với các nguyên nhân nêu trên cho thấy việc đưa kháng sinh nhóm fluoroquinolone vào danh mục cấm sử dụng và hạn chế sử dụng là một điều cần thiết và có tính cấp bách. Vấn đề ở đây là chúng ta biết tác hại của nó để hạn chế và không sử dụng nó một cách tự nguyện trong nuôi trồng thủy sản.

THS. NGUYỄN THANH TÙNG, CÔNG TY UV VIỆT NAM

No comments:

Post a Comment